Báo Trung Quốc nói về VinFast như thế nào?

Chỉ sau một đêm, một thế lực mới trong ngành sản xuất ô tô “vượt qua Mercedes-Benz” đã ra đời.

Ngày 15/8/2023, theo giờ Miền Đông Mỹ, VinFast Auto, nhà sản xuất xe điện Việt Nam được mệnh danh là “Tesla Việt Nam” và công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) BlackSpade Acquisition, hoàn tất việc sáp nhập và lần đầu tiên đổ bộ lên sàn chứng khoán Nasdaq, giá cổ phiếu ngày niêm yết đầu tiên tăng 254,64% và giá trị thị trường hiện tại đạt 86,05 tỷ đô la Mỹ (khoảng 627,9 tỷ Nhân dân tệ).

Báo Trung Quốc nói về VinFast như thế nào?
Báo Trung Quốc nói về VinFast như thế nào?

Điều này có nghĩa là hãng xe hơi non trẻ VinFast Auto chỉ mới thành lập vào năm 2017 đã vượt mặt Mercedes-Benz về giá trị thị trường, vượt tổng giá trị thị trường của hai công ty Ideal và Weilai, vượt qua nhiều hãng xe nổi tiếng như Honda, Ford, GM và Ferrari, trở thành hãng xe hơi lớn thứ năm trên thế giới.

Rốt cuộc nguồn gốc của “Tesla Việt Nam” này là gì và tại sao nó lại được ưa chuộng trên thị trường vốn?

Lịch sử cơn lốc chế tạo xe hơi của người giàu nhất Việt Nam

Đứng sau VinFast là ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam. Trong danh sách người giàu của tạp chí Forbes công bố ngày 15/8/2023, ông Vượng xếp thứ 458 với giá trị tài sản ròng 5,9 tỷ USD (khoảng 43 tỷ Nhân dân tệ). Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu tăng vọt sau khi VinFast niêm yết, giá trị tài sản ròng của Phạm Nhật Vượng được dự đoán sẽ tăng gấp đôi.

Năm 2017, khi Phạm Nhật Vượng thành lập VinFast, ông đã hô khẩu hiệu: Trong vòng 2 năm sẽ chế tạo được chiếc “xe hơi của người Việt Nam” đầu tiên. Chế tạo xe hơi là một trò chơi đốt tiền, trong trò chơi này, Phạm Nhật Vượng đã thể hiện “khả năng kiếm tiền” của mình.

Thông qua việc “mua, mua, mua” ban đầu và sau đó là đầu tư cao, VinFast đã đạt được sự phát triển nhanh chóng: năm 2018, VinFast mua lại dây chuyền sản xuất ô tô của General Motors tại Việt Nam; cuối năm 2018, VinFast công bố năng lực sản xuất hàng năm sẽ đạt 250.000 xe, trở thành thương hiệu xe ô tô quốc gia đầu tiên có năng lực sản xuất hàng loạt trong lịch sử Việt Nam. Tháng 11/2021, VinFast ra mắt mẫu xe điện VFe34, mẫu xe đầu tiên chuyển sang chạy điện. Tháng 3/2022, VinFast công bố sẽ đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ô tô mới ở Bắc Carolina, Mỹ và bắt đầu vươn ra toàn cầu.

Tháng 7/2022, theo Thông tấn xã Việt Nam, sau khi bán hết lô xe Lux và Fadil cuối cùng vào ngày 15/7 năm đó, VinFast chính thức thông báo ngừng bán xe chạy nhiên liệu. Sau khi tạm dừng kinh doanh xe chạy nhiên liệu, VinFast trở thành nhà sản xuất thuần xe điện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Khi trình bày về lý do tạo ra thương hiệu xe điện VinFast, ông Phạm Nhật Vượng nói với giới truyền thông: “Việt Nam cần có ít nhất một thương hiệu được nhận diện toàn cầu”. Thế nhưng hiện nay VinFast Auto còn chưa có lãi, sau ngày thành lập, công ty liên tục thua lỗ, vẫn cần được Vingroup của Phạm Nhật Vượng tiếp máu. Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, bất động sản, công nghệ, đến năm 2022 doanh thu của tập đoàn chiếm 2,2% GDP của Việt Nam.

Về việc khi nào VinFast sẽ có lãi, ông Phạm Nhật Vượng cho biết nếu hoạt động “bình ổn” và hòa vốn vào cuối năm 2024, VinFast có thể có lãi sau năm 2025. Khi nói tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, Phạm Nhật Vượng dự đoán doanh số bán xe điện trong năm nay sẽ đạt 45.000-50.000 chiếc và công ty có thể sản xuất xe điện bán tải, xe mini và các mẫu xe khác theo nhu cầu thị trường.

Thị trường Đông Nam Á trở thành “mảnh đất các hãng xe hơi phải giành lấy”

Vì sao VinFast được thị trường vốn nhiệt tình chào đón và thực hiện được giá cổ phiếu tăng chóng mặt? Một phần nguyên nhân là do số lượng cổ phiếu lưu hành mà VinFast có thể giao dịch là cực kỳ ít, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng vốn cổ phần, điều đó làm cho công ty càng dễ dàng chịu ảnh hưởng từ quá trình vận hành của thị trường.

Một nguyên nhân quan trọng khác là thị trường Đông Nam Á nơi VinFast kinh doanh đã trở thành “mảnh đất phải giành lấy” của các hãng xe năng lượng mới.

Vào tháng 7 năm nay, theo Thông tấn xã Quốc gia Malaysia, hãng xe Trung Quốc Geely sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng Tanjung Malim, Perak, Malaysia thành thành phố sản xuất ô tô lớn nhất khu vực. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Geely đã thông báo kế hoạch này cho ông trong một lá thư và khoản đầu tư này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm ở Malaysia.

Ngày 5/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Hồng Hà đã gặp Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu) tại Hà Nội để đàm phán về xe điện. Vương Truyền Phúc hy vọng Việt Nam sẽ tạo “điều kiện thuận lợi” giúp BYD hoàn tất quá trình đầu tư, để có thể nhanh chóng đầu tư vào xe điện tại Việt Nam và bán ra trong nước cũng như các thị trường khác ở Đông Nam Á.

Tháng 9/2022, nhà máy đầu tiên ở nước ngoài của BYD được tiến hành xây dựng tại Thái Lan, dự kiến ​​đi vào hoạt động năm 2024. Nhà máy này có kế hoạch ​​sản xuất 150.000 xe nguyên chiếc mỗi năm và sẽ tỏa ra toàn bộ thị trường ASEAN. Ngoài BYD, công ty SAIC Motor đã thành lập nhà máy tại Thái Lan và Indonesia. Nhà máy ở Thái Lan của Great Wall Motors (Trường Thành) đã đi vào sản xuất được hai năm, nhiều công ty ô tô Trung Quốc đã tăng tốc thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Tại sao các công ty xe hơi Trung Quốc tăng tốc đổ vào Đông Nam Á? Bởi vì xe năng lượng mới của họ đang bán rất chạy ở thị trường này. Đại diện của BYD nói với các nhà báo rằng vào tháng 11 năm 2022, ATTO3 (Yuan PLUS) của BYD đã ra mắt tại Thái Lan, khiến người tiêu dùng địa phương “tranh nhau mua lúc nửa đêm”.

Theo dữ liệu của Counterpoint, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm địa vị chủ đạo trên thị trường xe điện phát triển nhanh ở Đông Nam Á, trong quý đầu tiên năm nay họ đã chiếm 3/4 lượng tiêu thụ xe điện của khu vực này.

Theo báo cáo nghiên cứu do Canalys công bố, trong 10 năm tới, thị trường ô tô nói chung tại ASEAN sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Mặc dù mức độ thâm nhập của xe năng lượng mới ở Đông Nam Á thấp hơn so với các quốc gia dòng chính khác, các quốc gia mà đại diện tiêu biểu là Thái Lan và Việt Nam tiếp tục đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành năng lượng mới và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với các yếu tố thuận lợi như việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nó sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ thâm nhập của các sản phẩm ô tô Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng mới, tại thị trường Đông Nam Á. Ước tính đến năm 2025, tỷ lệ thâm nhập của các sản phẩm ô tô Trung Quốc tại Đông Nam Á sẽ tăng nhanh từ 2,6% năm 2022 lên 12,8%.

Sự thâm nhập nhanh chóng của các loại xe năng lượng mới ở Đông Nam Á cũng sẽ mang đến cơ hội phát triển cho các công ty ô tô bản địa như VinFast. Đồng thời, việc nhà máy của VinFast tại Mỹ chính thức động thổ vào tháng 7 năm nay với công suất sản xuất ước tính 150.000 xe/năm cũng mang đến một kỳ vọng cho thị trường vốn.

Theo Securities Times, Nghiên cứu quốc tế

Trả lời