Người Indonesia vẫn dè dặt với xe điện vì giá đắt, thiếu trạm sạc

Khách tham quan Triển lãm ô tô quốc tế Gaikindo Indonesia, diễn ra từ ngày 10 đến 20-8, ở Tangerang, ngoại ô Jakarta cho biết, giá xe điện cao, tình trạng thiếu của trạm sạc và sự hoài nghi về các thương hiệu mới là những lý do khiến họ trì hoãn quyết định mua.

Dody Hartono, một khách tham quan triển lãm ô tô, dự định mua chiếc xe điện đầu tiên vào năm 2024. Dù vậy, anh muốn thấy giá xe điện thấp hơn nữa.

“Trước tiên, chúng ta phải làm cho mọi người quan tâm đến xe điện, bắt đầu với giá phải rẻ hơn 60% so với hiện nay”, người đàn ông 54 tuổi nói.

Người Indonesia vẫn dè dặt với xe điện vì giá đắt, thiếu trạm sạc
Người Indonesia vẫn dè dặt với xe điện vì giá đắt, thiếu trạm sạc

Chính phủ Indonesia vạch ra  kế hoạch tăng trưởng xe điện đầy tham vọng khi nước này chạy đua với Thái Lan và Ấn Độ để xây dựng ngành công nghiệp xe điện như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xe điện hiện chỉ chiếm chưa đến 1% số ô tô lưu hành trên đường sá ở Indonesia.

Chính phủ đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với xe điện từ 11% xuống 1%, giúp khởi điểm của mẫu xe điện Hyundai Ioniq 5 rẻ nhất xuống dưới 45.000 đô la Mỹ. Nhưng Hartono cho rằng, xe điện chỉ thực sự hấp dẫn nếu có giá bán từ 10.000 đến 13.000 đô la.

Hiện tại, chỉ có hai mẫu xe điện có giá bán sát với mức đó là Air EV Lite của Wuling và E1 của Seres Group với giá khoảng 12.300 đô la. Cả Wuling lẫn Seres đều là các hãng xe của Trung Quốc. Seres là đối tác sản xuất xe điện của hãng công nghệ Huawei. Trong khi đó, mẫu xe chạy xăng rẻ nhất ở Indonesia là Daihatsu Ayla, có giá dưới 9.000 đô la.

Để so sánh, một trong những xe điện bán chạy nhất ở Trung Quốc, BYD Seagull, có giá khởi điểm chỉ hơn 10.000 đô la.  Tuy nhiên, không có nhiều mẫu xe điện có mức giá bán rẻ như vậy ở Đông Nam Á. Atto 3 của BYD, mẫu xe điện bán chạy nhất ở Đông Nam Á trong quí đầu tiên, có giá khởi điểm tại Thái Lan hơn 31.000 đô la.

Hendra Pratama, 42 tuổi, một khách hàng mua xe điện tại triển lãm ô tô ở Tangerang cho biết, mức giá xe điện ở Indonesia còn cao và cần phải giảm để thu hút người tiêu dùng có thu nhập trung bình thấp.

Daihatsu, hãng xe liên kết của Toyota, và Honda chiếm 2/3 doanh số bán ô tô ở Indonesia nhưng lại chậm chuyển hướng sang xe điện.

Đối với Hendra Budi, 44 tuổi, giá cả không phải là vấn đề lớn nhưng anh muốn mua xe điện từ các thương hiệu đáng tin cậy.

Ông nói: “Nếu Toyota hoặc Honda ra mắt xe điện, chúng tôi sẽ quan tâm”. Tín đến thời điểm hiện tại, Toyota chưa có kế hoạch lắp ráp xe điện ở Indonesia.

Tại cuộc triển lãm ô tô ở Tangerang, Bộ Công nghiệp Indonesia tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn thêm hai năm để các nhà sản xuất ô tô đáp ứng đủ các điều kiện nhận ưu đãi sản xuất.

Theo đó, các nhà sản xuất ô tô cần cam kết sản xuất ít nhất 40% linh kiện và phục tùng của xe điện ở Indonesia vào năm 2026 để đủ điều kiện nhận ưu đãi, muộn hơn hai năm so với mục tiêu ban đầu. Ngưỡng 40% này được đặt ra chủ yếu để khuyến khích sản xuất pin trong nước.

Cho đến nay, chỉ có hai nhà sản xuất chuyển đủ đủ điều kiện hưởng ưu đãi hoàn toàn là Wuling và Hyundai, Cả hai đều có nhà máy bên ngoài Jakarta và dẫn đầu thị trường về doanh số bán xe điện.

Bộ công nghiệp cho biết Mitsubishi Motors đã cam kết khoảng 375 triệu đô la để mở rộng sản xuất ở Indonesia, bao gồm cả mẫu xe điện Minicab-MiEV. Neta, thương hiệu xe điện của hãng xe năng lượng mới Hozon của Trung Quốc, bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mẫu xe điện Neta V EV và sẽ bắt đầu sản xuất tại địa phương vào năm 2024.

Indonesia đã đặt mục tiêu sản xuất khoảng 600.000 xe điện mỗi năm vào năm 2030. Con số này sẽ gấp hơn 100 lần số lượng bán ra ở Indonesia trong nửa đầu năm 2023.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto hy vọng triển lãm ô tô ở Tangerang sẽ thúc đẩy doanh số hơn 26.000 xe điện, con số bán được  tại triển lãm ô tô năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có con số báo cáo nào từ cuộc triển lãm này.

Theo Reuters

Trả lời